Máy tính là món không thể thiếu trong thời buổi hiện nay, người ta thường quan tâm tới các chỉ số của máy tính để bàn như CPU, GPU, nhưng một trong những món quan trọng mà bạn nhìn hằng ngày thì lại ít ai để ý tới thông số hoặc tính năng – đó chính là màn hình.Các loại màn hình
LCD (Liquid Crystal Display): là màn hình tinh thể lỏng. Loại màn hình này sẽ bao gồm một nguồn sáng ở phía sau (thường là đèn huỳnh quang) và ở phía trước là màn hình LCD. Màn hình LCD phía trước sẽ có rất nhiều pixel, nó có nhiệm vụ xuất ra màu sắc cũng như hình ảnh, còn nguồn sáng phía sau có nhiệm vụ thắp sáng những pixel ở phía trước
LED (Light Emitting Diode): thực chất chỉ là màn hình LCD mà thôi, nhưng nguồn sáng ở phía sau lưng sẽ là đèn LED.
TFT (Thin Film Transistor): là một nhánh từ màn hình LCD. Màn hình TFT cũng hoạt động tương tự như LCD nhưng có thêm một lớp bán dẫn để điều khiển màu sắc hay hình ảnh được xuất ra một cách tốt hơn. Màn hình TFT sẽ cho hình ảnh sắc nét hơn LCD.
PDP (Plasma Display Panel): khác với LCD hay LED, các pixel của màn hình plasma được thắp sáng bằng khí ga ion hóa được tích điện (chính là plasma), để dễ hiểu hơn thì màn hình plasma giống như được thắp sáng bởi nhiều bóng đèn neon mini vậy.
OLED (Organic Light Emitting Diodes): không phụ thuộc vào nguồn sáng phía sau, nguồn sáng của màn hình OLED là một lớp hữu cơ (Polyaniline) được kẹp ở giữa.
CRT (Cathode Ray Tube): là loại màn hình hay TV hồi xưa mà bạn thường thấy. Ở phía đuôi của màn hình có 3 ống với ba màu tương ứng (Red, Green, Blue), 3 ống này sẽ bắn tia electron lên màn hình phía trước với tốc độ cực nhanh để tạo ra màu sắc hay hình ảnh.
Panel Type
TN (Twisted Nematic) là công nghệ đầu tiên của các màn hình LCD, nhưng vẫn còn được sử dụng rộng rãi này nay. Lý do loại màn hình này được chuộng là vì chi phí sản xuất thấp, bạn có thể tìm thấy dễ dàng các màn hình sử dụng công nghệ này với giá tầm trung và thấp. Các màn hình sử dụng công nghệ TN cũ thì thường không hiển thị tốt màu đen, nhưng với công nghệ ngày nay thì các màn hình TN đã được cải thiện rất nhiều hay thậm chí còn cạnh tranh mạnh với màn hình VA. Khuyết điểm của màn hình TN là có góc ngang nhìn rất hẹp, chỉ khoảng 140°–160° mà thôi, ở góc nhìn đứng thì còn hẹp hơn, chính vì vậy mà khi bạn dời góc nhìn thì màu trên màn hình sẽ bắt đầu bị biến đổi. Bù lại màn hình TN lại có thời gian phản hồi của pixel rất nhanh (pixel respone time), nhờ vậy mà màn hình TN lại có chỗ đứng nhờ nhu cầu chơi game ngày càng tăng, nên các hãng sản xuất thường sử dụng công nghệ TN để làm màn hình dành riêng cho chơi game.
VA (Vertical Alignment) là loại màn hình phổ thông nhất. Cũng phải qua nhiều cải tiếng thì màn hình VA mới khắc phục được vấn nạn góc nhìn hẹp, bằng cách chia nhỏ màu ra nhiều vùng và cho phép tinh thể lỏng di chuyển được, nên người sử dụng có thể nhìn từ nhiều góc mà vẫn duy trì được tông màu hình ảnh. Tuy nhiên màn hình VA thường dính hiện tượng ghosting (bóng mờ) nên không thích hợp với gamer hardcore.
IPS (In Plane Switching) thì khắc phục được nhược điểm của cả 2 loại màn hình trên, đó là góc nhìn rộng và thoải mái (không bị biến đổi tông màu), màu đẹp. Màn hình IPS vốn dĩ sử dụng cho dân thiết kế đồ họa chuyên nghiệp vì thời gian phản hồi pixel không cao như NT và VA, nhưng công nghệ cải tiến ngày nay giúp màn hình IPS có thể cạnh tranh khỏe với 2 loại màn hình trên.
Panel Size
Panel Size đơn giản là kích thước ở ngoài đời thật của màn hình, không có gì phức tạp. Panel Size được tính bằng đường chéo từ góc dưới bên này của màn hình sang tới góc trên bên kia (hoặc ngược lại), và được tính bằng inch. Đây chính là số mà bạn thường thấy ở các màn hình như 27″ (inch), 21″ và nhiều kích thước khác nữa.
Aspect Ratio & Resolution
Aspect Ratio là tỉ lệ giữa chiều ngang và chiều dọc của màn hình, tỉ lệ thường thấy ở màn hình vuông hồi xưa là 4:3, có nghĩa là chiều ngang 4 phần còn chiều dọc 3 phần. Hiện nay thì màn hình rộng (wide screen) phổ biến hơn nhiều với tỉ lệ thường thấy là 16:9, ngoài ra còn có tỉ lệ 5:3 và 16:10 nữa nhưng rất hiếm. Hiện nay thì có màn hình siêu rộng (ultra wide) với tỉ lệ 21:9.
Resolution là độ phân giải, đây là số pixel của chiều ngang x với số pixel của chiều dọc của màn hình. Độ phân giải càng cao thì chi tiết sẽ càng nét và mịn, cũng như không gian mà bạn nhìn thấy trên màn hình sẽ rộng hơn, độ phân giải thường sẽ có chuẩn khi đi chung với tỉ lệ. Kích thước cũng ảnh hưởng tới độ phân giải, kích thước màn hình lớn nhưng không đi với độ phân giải phù hợp thì kết quả là chi tiết sẽ bị vỡ và nhìn không sắc nét, ví dụ như bạn có màn hình 21″ nhưng độ phân giả chỉ 1366 x 768 thì nhìn sẽ rất xấu, nhưng cũng 21″ mà ở độ phân giải cao hơn thì bạn sẽ thấy hình ảnh rất rõ nét và mịn.
Respone Time
Respone Time được tính bằng rise time (tR) và fall time (tF) của một pixel khi nó chuyển từ đen > đỏ > đen. Nói cho dễ hiểu hơn, đây là thời gian để pixel đổi từ màu này sang màu khác, thời gian phản hồi (respone time) phải được tính bằng tổng của tR và tF, và thời gian phản hồi càng nhanh thì càng tốt. Một số nhà sản xuất chỉ chú thích thời gian phản hồi chỉ có tR chứ không có tF, thời gian phản hồi đúng là phải có cả hai. Thời gian phải hồi nhanh sẽ giúp hình ảnh thay đổi mượt hơn, đồng thời cũng giảm đi hiệu ứng mờ (blurring/ghosting). Mỗi nhà sản xuất sẽ có cách tính thời gian phản hồi riêng, nên đôi khi một màn hình có thời gian phản hồi 5ms nhưng khi so với màn hình khác cũng 5ms thì bạn sẽ thấy không giống nhau. Có 3 cách tính thời gian phản hồi thường thấy là Grey to Grey (từ tông màu xám này chuyển qua tông màu xám khác), Black to White (từ đen thành trắng), Black to White to Black (đen thành trắng rồi lại thành đen).
Contrast
Contrast là độ tương phản của màn hình, nói ngắn gọn là sự khác nhau giữa màu tối nhất và màu sáng nhất, và tất nhiên độ tương phải càng cao thì càng tốt. Khi chọn mua bạn cũng nên kiểm tra xem màn hình có Static Contrast hay không, Static Contrast thường 1000:1 là thấp nhất, còn Dynamic Contrast thì không hữu dụng lắm nên bạn có thể bỏ qua.
Brightness
Brightness là độ sáng của màn, đây là màu sáng nhất mà màn hình có thể hiển thị. Độ sáng đo bằng Cendela/square (cd/m2). Ngày nay thì độ sáng có thể tùy chỉnh thoải mái trên các màn hình nên cũng không quan trọng lắm.
Color Depth
Color Depth là số màu mà màn hình có thể hiển thị. Càng nhiều màu thì hình ảnh hiển thị càng đẹp, màu sắc sống động hơn. 8-bit Color Depth có tổng cộng 16.2 triệu màu (mỗi màu cơ bản có 256 tông màu), 10-bit thì có tới 1.07 tỉ màu (mỗi màu cơ bản có 1024 tông màu), 12-bit thì có hơn 68 tỉ màu (mỗi màu cơ bản có 4096 tông màu) và cứ như vậy tăng lên nhiều hơn nữa… nói chung là color depth càng cao thì hình ảnh càng đẹp và màu sắc trung thực hơn.
Refresh Rate
Màn hình hoạt động với nguyên lý vẽ từng khung hình với tốc độ cao, nên tốc độ vẽ (hiển thị) càng cao thì chuyển động mà bạn thấy sẽ càng mượt. Refresh Rate chính là tần số vẽ các khung hình trên một giây, và được tính bằng Hertz (Hz). Nó cũng liên quan tới FPS mà game có thể hiển thị, đi cùng đó là card đồ họa nữa. Vsync là giải pháp đồng bộ hóa khung hình của card đồ họa và refresh rate của màn hình. Khi Vsync tắt thì card đồ họa sẽ không bị giới hạn số lượng khung hình xuất ra, đây cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng xé hình (tearing) do card đồ họa và màn hình chạy một cách độc lập, màn hình thì phải cố gắng theo kịp số khung hình mà card đồ họa đưa ra.
Nên khi bật Vsync, số khung hình được xuất ra từ card đồ họa sẽ được quyết định bởi refresh rate của hệ điều hành và màn hình. Ví dụ bạn chỉnh refresh rate là 60Hz, thì khi bật Vsync thì số khung hình tối đa xuất ra mỗi giây là 60. Refresh rate của màn hình càng cao thì số khung hình xuất ra càng nhiều, nhưng còn phụ thuộc vào card đồ họa của bạn có đủ sức hay không.
Ngoài ra còn có công nghệ Gsync (Nvidia) và Freesync (AMD). Ngược lại với Vsync là đồng bộ card đồ họa với màn hình, thì Gsync và Freesync đồng bộ màn hình với card đồ họa. Nếu bạn muốn sử dụng công nghệ của hai hãng này thì bắt buộc bạn phải có card đồ họa tương ứng, ví dụ bạn muốn sử dụng Gsync thì bắt buộc phải có card đồ họa của Nvidia. Về cách hoạt động thì giống nhau nhưng công nghệ thì khác nhau, Gsync của Nvidia là phần cứng và được gắn sẵn trong màn hình nên chỉ những màn hình nào có chip thì mới sử dụng được, AMD thì chỉ cần kết nối qua dây DisplayPort của VESA vào bất cứ màn hình nào có Freesync là được (nói tóm gọn là chỉ cần dây thôi chứ không có phần cứng thứ 3 như Nvidia).
Interpolated/True Refresh Rate
Interpolated Refresh Rate là công nghệ tăng cường số khung hình xuất ra trong khi đầu vào thì vẫn bình thường ở mức 60Hz. Đây là một dạng phần cứng có trong màn hình, nó có công dụng nội suy và dự đoán các khung hình để chèn vào giữa những khung hình thật. Công nghệ này giúp đẩy số khung hình từ 60FPS lên 120FPS hoặc có thể hơn.
True Refresh Rate thì đơn giản chỉ là refresh rate thật của màn hình. Đó là số khung hình mà màn hình có thể xuất ra một cách độc lập hay không cần sự trợ giúp của những yếu tố khác.